Áp dụng hệ thống MIST và SMART trong tuần tra và giám sát đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn Sao La (Thừa Thiên Huế)
Khu bảo tồn Sao La Thừa Thiên Huế nằm trong hành lang đa dạng sinh học của vùng Trung Trường Sơn, nơi đây tập trung nhiều loài động thực vật quý hiếm, đang đứng bên bờ tuyệt chủng do nạn khai thác, săn bắt trong những năm trước đó, làm suy giảm nghiêm trọng tính đa dạng sinh học bậc nhất tại khu vực này.
Song song với những hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, Chi cục Kiểm lâm cũng rất tích cực trong việc tham mưu, xúc tiến thành lập Khu bảo tồn Sao La và đã phối hợp với WWF tích cực và đầy trách nhiệm vào công cuộc bảo tồn ĐDSH, bảo tồn những cá thể Sao la còn sót lại trong khu vực. WWF cũng đã phối hợp với Khu bảo tồn Sao La thực hiện nhiều hoạt động đồng bộ để cứu lấy sự đa dạng thông qua các hoạt động tuyển nhân viên bảo vệ rừng làm việc trong rừng 22 ngày trong tháng, hoạt động thu mẫu Vắt để xét nghiệm ADN của các loài động vật, hoạt động giám sát Linh Trưởng, hoạt động đặt bẫy ảnh… Bước đầu đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ như việc nhiều loài động vật được phát hiện và ghi nhận như Mang, Sơn Dương, Tê tê, Nai, Gấu, các loài Linh Trưởng...
Đồng thời cuối năm 2010 Khu bảo tồn Sao La cũng phối hợp với WWF – Việt Nam đưa vào áp dụng hệ thống lưu trữ, giám sát thông tin trong tuần tra và giám sát đa dạng sinh học (MIST) đầu tiên trong cả nước. Với việc sử dụng công nghệ GIS để giám sát quá trình tuần tra và bảo tồn đa dạng sinh học, hệ thống này đã phát huy tác dụng khi giám sát được các hoạt động thực thi pháp luật của nhân viên Khu bảo tồn. đồng thời lưu trữ và theo dõi việc giám sát đa dạng sinh học một cách có hệ thống và logic. Đầu ra của MIST là các báo cáo, các biểu đồ và bản đồ chuyên đề.
Cuối năm 2012 hệ thống SMART cũng được phát triển và áp dụng nhiều nước trên thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống MIST. Với việc đi đầu của mình. Khu bảo tồn Sao La Thừa Thiên Huế cũng bước đầu thử nghiệm và áp dụng hệ thống SMART chính thức vào đầu tháng 7/2013. Đây là bước tiến vượt bậc trong việc sử dụng công nghệ vào công tác bảo vệ rừng và giám sát đa dạng sinh học của Khu bảo tồn Sao la Thừa Thiên Huế. Việc áp dụng MIST và SMART bước đầu mang lại hiệu quả tại Khu bảo tồn Sao La Thừa Thiên Huế đã được nhiều tổ chức hoạt động về bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, các Khu bảo tồn và Vườn Quốc gia công nhận.
Trong thời gian tới cần có đánh giá cụ thể về hệ thống SMART để có thể nhân rộng việc áp dụng rộng rãi hơn trong lực lượng Kiểm lâm. Đồng thời cần tổ chức các khóa tập huấn nhằm trang bị cho lực lượng Kiểm lâm các kiến thức cơ bản về cách sử dụng thiết bị GPS data logger; cách thu thập số liệu trong quá trình tuần tra rừng; cách xuất và quản lý dữ liệu tuần tra trong máy tính cá nhân. Chương trình SMART sẽ được triển khai trên toàn bộ mọi hoạt động của lực lượng Kiểm lâm của Khu bảo tồn. Đây chính là lực lượng chính đảm nhiệm việc thu thập số liệu trong các đợt tuần tra trên địa bàn khu bảo tồn. Thông qua những số liệu thu thập được, văn phòng Hạt Kiểm lâm sẽ tổng hợp số liệu và báo cáo tình hình diễn biến tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học để lãnh đạo Khu bảo tồn hoạch định những giải pháp bảo vệ và phát triển rừng cũng như chiến lược cho công tác bảo tồn của đơn vị trong thời gian tới.
Khu bảo tồn Sao La cũng đã chia sẻ kinh nghiệm với nhiều Vườn quốc gia và Khu bảo tồn khác, đây là cơ hội cho việc áp dụng hệ thống này cho nhiều khu bảo vệ khác để góp phần vào sự phát triển của công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam./.