DANH MỤC
23-10-2015 15:22
Bước đầu thực hiện Nghị định 75/2015/NĐ-CP tại Thừa Thiên Huế
Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Lâm nghiệp và Sở Nông nghiệp và PTNT Thừa Thiên Huế về việc thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với Chi cục Lâm nghiệp đã làm việc với các địa phương để rà soát hiện trạng rừng các xã khó khăn khu vực II, III thuộc đối tượng theo Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19/9/2013. Toàn tỉnh hiện còn 26 xã khó khăn với diện tích đất lâm nghiệp 175.997,3 ha trong đó đất có rừng 147.723,7 ha (bao gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất).
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 75/2015/NĐ-CP  ngày 9/9/2015 quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ, nâng cao thu nhập gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Lâm nghiệp và Sở Nông nghiệp và PTNT Thừa Thiên Huế về việc thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với Chi cục Lâm nghiệp đã làm việc với các địa phương để rà soát hiện trạng rừng các xã khó khăn khu vực II, III thuộc đối tượng theo Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19/9/2013. Toàn tỉnh hiện còn 26 xã khó khăn với diện tích đất lâm nghiệp 175.997,3 ha trong đó đất có rừng 147.723,7 ha (bao gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất).

Các địa phương đã xác định nhu cầu kinh phí khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng và trợ cấp gạo cho các xã có điều kiện khó khăn năm 2016. Trong giai đoạn năm 2012-2015 thông qua Dự án Bảo vệ và phát triển rừng, diện tích khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng hàng năm tại các xã có điều kiện khó khăn (khu vực II, III) là 83.994,2 ha, đáp ứng 57% rừng tự nhiên, rừng trồng phòng hộ. Phần lớn kinh phí được đầu tư cho công tác khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tại các Công ty, Ban quản lý, Khu Bảo tồn và Vườn quốc gia. Đối với những diện tích rừng giao cộng đồng dân cư, UBND xã quản lý do thiếu nguồn lực nên chủ yếu tập trung việc bảo vệ rừng là chính. Nhằm góp phần cải thiện sinh kế cho người dân sống gần rừng, ven rừng, nâng cao hiệu quả sử dụng rừng, nhu cầu nguồn kinh phí năm 2016 và các năm tiếp theo là 16.608,53 triệu đồng/năm, trong đó: kinh phí khoán bảo vệ rừng 7.558,216 triệu đồng/năm, bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng được giao có trồng rừng bổ sung 9.050,314 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, nhu cầu trợ cấp gạo cho các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người kinh nghèo, cộng đồng dân cư thôn được giao rừng đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện khó khăn tham gia trồng rừng và phát triển lâm sản ngoài gỗ là 1.016 tấn/năm.
 
Việc tổ chức thực hiện tốt Nghị định 75/2015/NĐ-CP trong thời gian tới sẽ góp phần chủ đạo trong việc nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa quản lý tài nguyên rừng tại Thừa Thiên Huế./.