Thông tư số 47/2012/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 9 năm 2012 ra đời đánh dấu một bước quan trọng đối với công tác bảo tồn thiên nhiên, khi mà hoạt động gây nuôi các loài động vật hoang dã thông thường đã được Nhà nước công nhận và khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân thực hiện với mục đích phát triển kinh tế.
Trên thực tế, hoạt động này là một quyết định cần thiết đối với sự phát triển của xã hội khi mà nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ động vật rừng ngày càng cao, trong khi các năm trước đó lại không có nguồn cung cấp hợp pháp, dẫn đến nạn săn bắt động vật rừng trái phép vẫn luôn diễn ra. Hợp pháp hóa hoạt động gây nuôi động vật hoang dã nhằm mục đích khuyến khích người dân tham gia vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển kinh tế hộ, cũng như giảm sức ép từ người dân đối với các loài thú rừng. Bên cạnh đó, đây cũng là một chủ trương tốt đối với việc bảo tồn và duy trì các nguồn gen quý, khi mà số lượng các loài động vật rừng ngày càng giảm, do các hoạt động của con người tác động vào rừng.
Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có 84 trại nuôi động vật rừng thông thường, với 1621 cá thể trong tổng số 11 loài. Trong đó heo rừng và nhím là loài được gây nuôi nhiều nhất, chiếm gần 90% tổng số lượng, cũng bởi các loài này dễ nuôi cũng như dễ kiếm thị trường đầu ra.Cả 9/9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đều có các trại nuôi động vật rừng, đơn vị có nhiều trại nuôi dẫn đầu tỉnh là huyện Nam Đông với 22 cơ sở (chiếm 26.19%), tiếp đến là huyện Phú Lộc (16 trại) và các huyện, thị xã khác.
Trong quá trình gây nuôi, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư vốn để mở rộng diện tích trang trại cũng như số lượng loài và thu được lợi ích kinh tế đáng kể. Chỉ riêng tại huyện Phú Lộc, mô hình nuôi Cầy vòi hương (Paradoxurus hermaphroditus) để bán con giống đã cho hiệu quả bước đầu cao, với giá khoảng 2,5 đến 4 triệu đồng/cặp giống đã đem lại nguồn thu nhập hoàn vốn cho các hộ nuôi. Tương tự, mô hình nuôi Nhím (Hystrix brachyura) và Heo rừng (Sus scrofa) cũng được người dân ủng hộ với chi phí đầu tư thấp và khả năng khả năng chống chịu bệnh cao. Được chăm sóc tốt, mỗi năm Nhím mẹ sẽ đẻ được 2 lứa với 1-2 con/lứa, giá Nhím giống hiện nay được bán ra từ 3-5 triệu đồng một cặp; riêng Nhím thịt nếu nuôi tốt, trong 1 năm có thể lên đến 15kg/con với giá khoảng 150.000 đồng/cân hơi. Loài Heo rừng cũng vậy, mỗi năm lợn nái đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 7-12 con. Heo rừng 3 tháng tuổi nếu đạt trọng lượng 10kg thì có thể bán giống với giá trung bình khoảng 200.000 đồng/kg; heo thịt thì được hơn 30 kg mới bắt đầu bán, trong 2 năm mới đạt tới trọng lượng 60 kg, giá bán 130.000-150.000 đồng/kg hơi.
Nhằm thực hiện tốt công tác quản lý trại nuôi, cũng như ngăn chặn tình trạng săn bắt động vật rừng nhưng lại đem về các trại nuôi để “hợp pháp hóa” thủ tục, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên theo dõi và giám sát các trại nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh. Mỗi trại đều được cấp sổ quản lý loài nuôi, định kỳ hàng tháng và đột xuất đều được Kiểm lâm địa bàn theo dõi và hướng dẫn thủ tục; việc tăng/giảm đàn của các trại đều được giám sát và có ký xác nhận của Kiểm lâm địa bàn. Trong thời gian tới, cần có các giải pháp quy hoạch lâu dài về các khu vực được gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn cả nước nhằm phát triển hơn nữa khả năng bảo tồn loài, cùng với hiệu quả kinh tế cũng như bảo vệ môi trường sinh thái./.