Kính thưa đồng chí: Nguyễn Văn Phương – TUV, Phó chủ tịch UBND tỉnh.
Kính thưa đồng chí Hồ Sỹ Nguyên – TUV, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cùng các đ/c trong ban lãnh đạo và các phòng ban chức năng Sở Nông nghiệp và PTNT.
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo các ban ngành, địa phương!
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo các Viện, Trường, các tổ chức Phi chính phủ quốc tế, và các tổ chức, đơn vị trong và ngoài tỉnh.
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo ngành Lâm nghiệp, Kiểm lâm, và toàn thể công chức Kiểm lâm qua các thời kỳ.
Kính thưa thân nhân liệt sỹ Võ Tự Lực!
Kính thưa các vị khách quý và toàn thể quý vị!
Trong không khí cả nước hân hoan với những ngày tháng 5 lịch sử, hôm nay lực lượng Kiểm lâm Thừa Thiên Huế long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 43 năm ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam (21.5.1973 – 21.5.2016) và 40 năm ngày thành lập Lực lượng Kiểm lâm Thừa Thiên Huế (1976 – 2016).
Thay mặt lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế, tôi xin nồng nhiệt và trân trọng chào đón các đồng chí lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, lãnh đạo Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy và UBND các huyện, thị xã Hương Trà, Hương Thủy và thành phố Huế, lãnh đạo các ban ngành đoàn thể, các tổ chức, đơn vị trong và ngoài tỉnh; nồng nhiệt chào đón các đồng chí nguyên lãnh đạo ngành lâm nghiệp, Kiểm lâm cùng các cán bộ công chức Kiểm lâm qua các thời kỳ đã đến tham dự và chia vui cùng lực lượng Kiểm lâm Thừa Thiên Huế hôm nay.
Trong ngày kỷ niệm đáng nhớ này, tôi xin thay mặt toàn thể lực lượng KL Thừa Thiên Huế điểm qua những mốc sự kiện và thành tựu trên chặng đường 40 rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành và phát triển của toàn lực lượng, để tự hào, tiếp tục phấn đấu cho một hành trình dài phía trước kỳ vọng nhiều thành công hơn.
Kính thưa quý vị đại biểu!
Kính thưa quý vị khách quý!
Vào những ngày đầu giải phóng Thừa Thiên Huế, tiền thân của Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế ngày nay, chỉ là một bộ phận lâm nghiệp trực thuộc Ty Nông lâm Thừa Thiên Huế. Đến năm 1976, chính thức thành lập Chi cục Kiểm lâm Bình Trị Thiên trực thuộc Ty lâm nghiệp Bình Trị Thiên quản lý.
Năm 1989, sau khi tái thành lập tỉnh Thừa Thiên Huế, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế trực thuộc Sở Lâm nghiệp Thừa Thiên Huế.
Đến năm 1994, Chi cục Kiểm lâm tách ra khỏi Sở Lâm Nghiệp Thừa Thiên Huế để trực thuộc trực tiếp UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đến năm 2007, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế chính thức trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thừa Thiên Huế.
Năm 2015, thực hiện Thông tư 14/Liên bộ Nội vụ và Nông nghiệp PTNT, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 54 về việc thành lập Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế hiện nay, trên cơ sở sáp nhập 2 đơn vị là Chi cục Lâm nghiệp và Chi cục Kiểm lâm.
Như vậy, với những giai đoạn khác nhau về thể chế quản lý, nhưng trong 40 năm qua, lực lượng Kiểm lâm Thừa Thiên Huế đã không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, phấn đấu xây dựng lực lượng ngày mỗi lớn mạnh, thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, đóng góp một phần đáng kể vào thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Nhìn lại những năm đầu thành lập, phần lớn cán bộ Kiểm lâm đều là bộ đội chuyển ngành, chưa được đào tạo về nghiệp vụ chuyên ngành, nhưng bù lại, họ là những cán bộ dày dạn kinh nghiệm, trui rèn qua bao thử thách gian nan trong chiến tranh và trên hết trong mỗi cán bộ, tràn đầy khát vọng, nhiệt huyết để đảm đương nhiệm vụ mới, nhiệm vụ xây dựng quê hương trong tình hình mới.
Hành trang của những người cán bộ Kiểm lâm lúc bấy giờ là chiếc xắt cốt và ruột tượng gạo, ngày ngày băng đèo lội suối để thực hiện nhiệm vụ quy hoạch lâm nghiệp, giao đất giao rừng, định canh định cư, quy hoạch nương rẫy. Bản làng đối với họ là nhà, bà con đồng bào dân tộc ở các buôn làng là những người thân thích. Họ không chỉ là cán bộ làm công tác quản lý bảo vệ rừng, nhiều cán bộ KL còn là thầy giáo xóa mù chữ của các thôn xóm, bản làng xa xôi. Họ cùng người dân địa phương chia sẻ những gian khó trong đời sống thường nhật trong khi vốn dĩ cuộc sống của cán bộ Kiểm lâm và gia đình họ lúc bấy giờ cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.
Từ Hải Vân đến Đèo Ngang, những cánh rừng một thời đã in hằn dấu chân của những người lính mang lâm hàm xanh. Dãi đất nắng lửa mưa dầu Bình Trị Thiên khắc nghiệt như muốn thử thách ý chí của những người lính Kiểm lâm nhưng họ đã vượt lên tất cả những gian khó để hoàn thành nhiệm vụ.
Những vụ cháy rừng ở A Lưới, Cam Lộ, Đông Hà; Những đợt dịch sâu bệnh gây hại rừng ở Triệu Hải, Bến Hải, Phú Lộc; Những vụ phá rừng ở Tuyên Hóa, Bố Trạch… đều có mặt những người lính Kiểm lâm xung trận để ngăn chặn. Đã từng là những người lính trong chiến tranh được rừng chở che, nên với họ, rừng được xem như là ân nhân và nghĩa vụ của họ phải trả ơn cho rừng bằng những nhiệm vụ nặng nề không bao giờ thoái thác.
Năm 1989, sau khi tách ra khỏi Chi cục Kiểm lâm Bình Trị Thiên, lực lượng Kiểm lâm Thừa Thiên Huế trở về đúng với tên gọi ban đầu trong hoàn cảnh khó khăn chất chồng khó khăn.
Nguồn lực cho công tác quản lý bảo vệ rừng lúc bấy giờ rất thiếu thốn. Nếu không có ý chí quyết tâm cao và lòng yêu nghề nồng nàn, chẳng ai có thể trụ vững trong hoàn cảnh đó. Lực lượng công chức Kiểm lâm lúc bấy giờ chưa tới 100 người, với vài người có trình độ đại học, khoảng hơn 20 người có trình độ trung cấp, phần còn lại, hơn 70% cán bộ chưa qua bất cứ trường lớp nào, trong khi đó nhiệm vụ phải bảo vệ một diện tích rừng gần 300.000 ha và phải đảm đương thêm các nhiệm vụ khác về phát triển rừng, giao đất giao rừng, định canh định cư, quản lý nương rẫy, phòng chống cháy rừng, phòng chống sâu bệnh hại rừng…
Không khuất phục trước những khó khăn, lực lượng Kiểm lâm Thừa Thiên Huế từng bước được kiện toàn, củng cố. Nhiệm vụ đào tạo, tự đào tạo được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh việc tiếp nhận các kỹ sư mới ra trường, Kiểm lâm Thừa Thiên Huế đã quy hoạch và gửi đi đào tạo nhiều lượt cán bộ dưới nhiều hình thức khác nhau, cả chính quy và không chính quy, với nhiều trình độ khác nhau, cả trung cấp, đại học và trên đại học. Vì thế, cho đến nay có thể nói rằng, nguồn nhân lực của Kiểm lâm Thừa Thiên Huế được đánh giá có chất lượng, đủ sức hoạt động không chỉ trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, mà còn vươn ra các lĩnh vực khác như quản lý môi trường, quản lý đa dạng sinh học,… Nhiều cán bộ được các tổ chức phi chính phủ đánh giá cao và mời làm tư vấn kỹ thuật cho các dự án trong và ngoài tỉnh; một số cán bộ thường được mời tham gia các hội thảo khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước.
Tổng số CBCC trong toàn lực lượng Kiểm lâm hiện nay là 296 công chức, với 224 công chức có trình độ đại học với đủ các lĩnh vực, chiếm 75,68%; 18 công chức có trình độ trên đại học, trong đó có 1 tiến sĩ và 17 thạc sỹ, số ít được đào tạo ở nước ngoài. Tổng số Đảng viên trong toàn lực lượng 140 đồng chí chiếm 47,3 %.
Kính thưa quý vị đại biểu!
Thưa quý vị khách quý!
Mục tiêu lớn nhất trong thời điểm sau khi chia tỉnh là thực hiện quy hoạch lâm nghiệp, nhanh chóng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tăng nhanh độ che phủ rừng, tổ chức thực hiện công tác định canh định cư, giao đất giao rừng.
Những năm sau này, Chi cục Kiểm lâm đã tập trung và chủ động tham mưu cho UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành nhiều chính sách quan trọng về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng như Quy hoạch 3 loại rừng, Chiến lược phát triển lâm nghiệp, Chiến lược quản lý cháy rừng, Chiến lược quản lý các khu bảo tồn, Kế hoạch hành động về bảo tồn đa dạng sinh học, Kế hoạch hành động chống buôn bán trái phép động vật rừng, Kế hoạch bảo vệ phát triển rừng qua các giai đoạn, Kế hoạch trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng bền vững, Kế hoạch phát triển mây tre và lâm sản ngoài gỗ,… Nhờ thế, việc tổ chức thực hiện các hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp, kiểm lâm đã đi vào chiều sâu và có chất lượng.
Về công tác phát triển rừng, thông qua các chương trình dự án như PAM, chương trình 327, 661, JBIC, JICA, WB3 diện tích rừng trồng tăng đều qua các năm, đặc biệt qua các chương trình này, đã kích hoạt cho sức phát triển lâm nghiệp của địa phương, nhất là khi các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh lâm nghiệp, từ đó nghề rừng đã trở thành một nghề mới, đã tạo ra nhiều công ăn việc làm, người dân có thu nhập ổn định từ nghề rừng, góp phần đáng kể làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, vùng gò đồi vốn dĩ trước đây rất khó khăn, giám đáng kể sức ép vào khai thác rừng tự nhiên.
Nếu những năm sau giải phóng, tỷ lệ độ che phủ rừng hàng năm bị giảm, như năm 1999 chỉ có 42,8%, thì những năm sau này, tỷ lệ độ che phủ rừng tăng đều, năm 2015 đạt 56,91%, là một trong số ít các địa phương có độ che phủ rừng cao và ổn định trong cả nước.
Việc tăng dần độ che phủ rừng qua các năm, cũng như việc quản lý bảo vệ có hiệu quả các khu rừng đầu nguồn đã tạo ra sự ổn định dòng chảy các lưu vực sông, ổn định hệ sinh thái tự nhiên các khu vực rừng đầu nguồn, vùng hạ lưu, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và đời sống cũng như đảm bảo an ninh môi trường cho vùng đồng bằng và đầm phá, duyên hải.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu với những hậu quả khó lường, đăc biệt là hạn chế tác hại của nước biển dâng, hiện nay Chi cục Kiểm lâm đang chú trọng đến công tác trồng rừng ngập mặn tại các địa phương, vừa giảm thiểu rủi ro do thiên tai cho cư dân sống ven biển, đầm phá, vừa bảo tồn giá trị đa dạng sinh học khu vực ramsar Tam Giang - Cầu Hai.
Về công tác bảo tồn đa dạng sinh học, Kiểm lâm Thừa Thiên Huế là một trong rất ít địa phương của Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá cao về năng lực thực hiện các hoạt động về bảo tồn thiên nhiên. Việc tái phát hiện loài gà lôi lam mào trắng tại khu vực rừng xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền vào năm 1996 đã gây tiếng vang lớn tại các hội thảo quốc tế về các loài chim trĩ đặc hữu trên thế giới, khi các nhà khoa học nghĩ rằng loài này đã bị tuyệt chủng. Việc bắt giữ và nuôi cứu hộ thành công con hổ con (còn rất non, bị thương nặng), sau đó đã chuyển giao cho Vườn thú Hà Nội nhân giống thành công cũng là sự kiện của Kiểm lâm Thừa Thiên Huế được các hãng thông tấn, báo chí quốc tế như Rueters, CNN đưa tin ca ngợi.
Tại A Lưới và Nam Đông, hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu các loài hoang dã quý hiếm như sao la, mang lớn, mang trường sơn, các loài linh trưởng, cũng như tổ chức thực hiện các chuỗi hoạt động bảo tồn thiên nhiên đã duy trì và phát triển năng suất sinh học của các hệ sinh thái rừng tự nhiên của Thừa Thiên Huế. Bên canh đó, việc tiếp cận và áp dụng phương thức bảo tồn cảnh quan, vừa bảo tồn thiên nhiên có hiệu quả, vừa từng bước cải thiện sinh kế địa phương đã làm tăng khả năng tham gia của các nhóm cộng đồng trong hoạt động quản lý bảo vệ tài nguyên, đáp ứng nhu cầu xã hội hóa lĩnh vực quan trọng này.
Việc UBND tỉnh quyết định thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền và Khu bảo tồn Sao la tại A Lưới là kết quả đáng được ghi nhận về công tác tham mưu trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học của lực lượng Kiểm lâm Thừa Thiên Huế. Nhờ đó, hàng năm các khu bảo tồn này đã được các tổ chức quốc tế đầu tư nhiều nguồn lực tài chính và hỗ trợ kỹ thuật nên hiệu quả quản lý của các khu bảo tồn tăng lên rất đáng kể.
Về công tác PCCCR, với một địa phương nằm trong khu vực địa lý có khí hậu khắc nghiệt, cùng với diện tích rừng trồng dễ cháy với gần 100.000 ha, khiến công tác PCCCR càng nặng nề hơn. Có thể nói rằng, công tác này so với những năm trước đây, đã có những cải thiện đáng kể. Trước những năm 1990, việc kiểm soát lửa rừng gần như không thể, thì nay với mạng lưới quản lý bảo vệ rộng khắp cả tỉnh, lực lượng Kiểm lâm có thể quản lý tốt cháy rừng. Trước đây, có vụ cháy từ vài chục đến trăm hec ta rừng, cháy kéo dài ngày này qua ngày khác, thì nay mặc dù số vụ cháy xảy ra vẫn còn nhiều nhưng nhờ chủ động thực hiện các phương án PCCCR nên không còn xảy ra các vụ cháy lớn trên diện rộng, thiệt hại về cháy rừng cũng giảm rất nhiều so với trước.
Trong công tác đấu tranh phòng ngừa các hành vi xâm hại rừng và thừa hành pháp luật lâm nghiệp, lực lượng Kiểm lâm Thừa Thiên Huế đặc biệt chú trọng đến các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu và có giá trị đa dạng sinh học cao. Để đạt được mục tiêu này, sự nỗ lực của mỗi cán bộ, công chức Kiểm lâm Thừa Thiên Huế trong những năm qua đáng được ghi nhận. Có những cán bộ thời gian bên gia đình ít hơn thời gian đóng quân trong rừng, không ít cán bộ nhiều năm liên tiếp không được đón giao thừa, vui Tết trọn vẹn cùng gia đình. Những Trạm Kiểm lâm nằm cách biệt giữa rừng sâu là nhà của họ, thiếu thốn mọi bề, cả vật chất lẫn tinh thần nhưng họ vẫn khắc phục, vượt qua mọi gian khó hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Những năm qua, có nhiều cán bộ KL bị thương tật trong khi thi hành nhiệm vụ, có đồng chí đã mãi mãi nằm lại với rừng khi tuổi còn rất trẻ, sự hy sinh của Liệt sỹ Võ Tự Lực, cán bộ Kiểm lâm Trạm Kiểm lâm Hai Nhánh (Hạt Kiểm lâm Hương Thủy), trong mùa lũ năm 2001 khi cố gắng bám chốt trực, bảo vệ tài sản nhà nước, là tấm gương sáng về lòng tận tụy hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ rừng cho toàn thể cán bộ công chức KL Thừa Thiên Huế nói theo, làm tô đẹp thêm truyền thống tốt đẹp của lực lượng Kiểm lâm Thừa Thiên Huế.
Kính thưa quý vị đại biểu!
Thưa quý vị khách quý!
Để đạt được mục tiêu an toàn cho các diện tích rừng tự nhiên trong bối cảnh còn rất nhiều áp lực vào rừng quả là điều không dễ dàng. Vì thế, bên cạnh việc thường xuyên thực hiện các đợt truy quét, củng cố mạng lưới tuần tra, kiểm soát lâm sản, thực thi pháp luật một cách nghiêm minh, lực lượng Kiểm lâm Thừa Thiên Huế còn phối hợp chặt chẽ với các địa phương nắm rõ các đối tượng, vận động, thuyết phục đi đôi với các hoạt động hỗ trợ thông qua các dự án tài trợ, cải thiện sinh kế cho các hộ nghèo, hạn chế nạn vào rừng chặt cây, săn bẫy, đào vàng…
Theo số liệu thống kê, chỉ từ năm 2000 đến năm 2015, lực lượng Kiểm lâm Thừa Thiên Huế đã tổ chức 4.347 đợt truy quét tại các khu rừng xung yếu, kiểm tra phát hiện và xử lý 15.394 vụ vi phạm (bình quân 962 vụ vi phạm/năm), tịch thu 16.731 m3 gỗ các loại (bình quân 1.000m3 gỗ/năm) và tháo dỡ hàng chục ngàn dây bẫy thú, phá hủy nhiều phương tiện phá rừng, thu nộp vào ngân sách nhà nước hơn 85 tỷ đồng (bình quân hơn 5 tỷ đồng/năm).
Từ năm 2000 đến nay, lực lượng Kiểm lâm đã xử lý 15.525 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực QLBVR, trực tiếp khởi tố hoặc chuyển hồ sơ cho cơ quan cảnh sát khởi tố 27 vụ án hình sự về các tội vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, với 40 bị cáo, mức án 279 tháng tù treo, 597 tháng tù giam.
Nhờ vào việc thực thi nghiêm minh pháp luật lâm nghiệp, nên số vụ vi phạm ngày càng giảm dần, nếu năm 2000 có 1.537 vụ vi phạm thì đến năm 2008 có 1.214 vụ và năm 2015 chỉ còn 640 vụ.
Công tác truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng luôn được quan tâm và đầu tư đổi mới về hình thức lẫn nội dung, để phát huy hiệu quả tuyên truyền cao, góp phần nâng cao nhận thức và làm thay đổi thái độ, hành vi ứng xử của cộng đồng theo hướng có lợi cho công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn tỉnh.
Trong những năm 1980 - 1990 công tác truyền thông được thực hiện bằng những hình thức đơn giản như họp cụm dân cư, ký cam kết, phát thanh trên loa đài của các hợp tác xã… Đến nay, công tác truyền thông được thực hiện bằng nhiều hinh thức sinh động hơn, với nhiều đối tượng tham gia, như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, cuộc thi trên sóng truyền hình, các đêm văn nghệ cộng đồng hoặc thiết lập các câu lạc bộ xanh, câu lạc bộ thiên nhiên vì cuộc sống, câu lạc bộ thanh niên hành động vì bảo tồn.
Công tác giao rừng cho cộng đồng quản lý cũng được đẩy mạnh những năm sau này. Cho đến nay, toàn tỉnh có 31.626,8 ha rừng tự nhiên đã giao cho 157 hộ gia đình, 88 nhóm cộng đồng và 225 nhóm hộ quản lý, sử dụng. Bên cạnh đó, thông qua hỗ trợ từ các dự án, lực lượng Kiểm lâm đã tăng cường năng lực quản lý cho các đối tượng nhận rừng, hỗ trợ tài chính để các chủ rừng canh tác sản xuất dưới tán rừng, cải thiện thu nhập, lấy ngắn nuôi dài, gắn trách nhiệm của chủ rừng trong công tác quản lý bảo vệ rừng đã giao.
Thực hiện chủ trương quản lý tài nguyên rừng tận gốc, từ năm 2004, Chi cục Kiểm lâm tỉnh bắt đầu thực hiện đề án phân công kiểm lâm về cơ sở phụ trách địa bàn với phương châm “3 bám và 3 cùng” (bám rừng, bám đất và bám dân; cùng ăn, cùng ở, cùng dân bảo vệ rừng). Đến nay, toàn tỉnh có 95 công chức kiểm lâm địa bàn được phân công chuyên trách ở 108 các xã, phường, thị trấn có rừng. Hiện nay, mặc dù cán bộ kiểm lâm địa bàn đang phải quản lý diện tích rừng gấp nhiều lần do không đủ biên chế nhưng lực lượng Kiểm lâm đã xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ với cấp ủy và chính quyền địa phương, với các tổ chức đoàn thể từ xã đến thôn, giữ mối quan hệ tốt đẹp với già làng, trưởng bản, nên đã góp phần làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng tại cơ sở.
Công tác xây dựng lực lượng Kiểm lâm trong sạch vững mạnh, công tác quy hoạch, bồi dưỡng, luân chuyển, đào tạo, đặc biệt là xây dựng các quy chế giám sát và đánh giá cán bộ, đảng viên hàng năm, luôn được cấp ủy và lãnh đạo Chi cục chú trọng; thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn lực lượng Kiểm lâm Thừa Thiên Huế, thực hiện phong trào xây dựng người cán bộ kiểm lâm giỏi về chuyên môn nghiệp vụ và có đạo đức, lối sống trong sáng; thực hiện thường xuyên các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy chế công vụ, vi phạm đạo đức nghề nghiệp làm ảnh hưởng đến uy tín danh dự của lực lượng Kiểm lâm.
Về nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác quản lý tài nguyên rừng, trong những năm gần đây, cán bộ công chức Kiểm lâm đã có một số bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và kể cả quốc tế; việc ứng dụng và giải đoán ảnh viễn thám, cũng như công nghệ GIS để theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, cảnh báo sớm cháy rừng; việc nghiên cứu các mô hình sản xuất lâm nghiệp, trồng rừng trên các điều kiện lập địa khác nhau, cũng như các đề tài nghiên cứu về chính sách lâm nghiệp, quản lý tài nguyên rừng cũng đã được lực lượng Kiểm lâm Thừa Thiên Huế thực hiện thường xuyên. Đó là sự trưởng thành vượt bậc đáng được ghi nhận.
Kính thưa quý vị đại biểu!
Thưa quý vị khách quý!
Để đánh giá hiệu quả của công tác quản lý bảo vệ rừng của lực lượng Kiểm lâm Thừa Thiên Huế qua 40 năm qua, có thể khái quát bằng hình ảnh thay đổi hiện nay tại các địa phương như xã Hương Bình (thị xã Hương Trà), xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền). Trước đây, đó là những địa phương người dân chuyên sống dựa vào rừng, từ khai thác gỗ, củi, săn bẫy, đào vàng trái phép, thì nay tất cả lao động ở đây đều có việc làm, thu nhập khá nhờ trồng rừng và các sản phẩm canh tác khác nên họ không vào rừng khai thác trái phép nữa. Đó là thành quả chung nhờ vào các chương trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh nhà, nhưng trong thành qủa này có một phần đóng góp của lực lượng Kiểm lâm trong việc vận động bà con định canh định cư, giao đất giao rừng, hướng dẫn bà con tăng gia sản xuất, phục hồi các ngành nghề truyền thống,… để tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Hôm nay, nếu chúng ta nhìn thấy những cánh rừng xanh liền dải dọc theo Hải Vân, Bạch Mã, ngược lên Nam Đông, A Lưới, nối với Phong Điền, rừng đã phát huy vai trò lớn lao về phòng hộ, môi trường và cung cấp các giá trị kinh tế cho địa phương, đó chính là kết quả từ sự nỗ lực không mệt mỏi để quản lý bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng địa phương trong suốt 40 năm qua của nhiều thế hệ cán bộ, công chức Kiểm lâm Thừa Thiên Huế.
Tưởng thưởng xứng đáng cho những nỗ lực này của lực lượng Kiểm lâm Thừa Thiên Huế, Chính Phủ đã tặng Cờ Thi Đua vào năm 2002, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tặng Cờ Thi Đua năm 2001, 2004, 2006 về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, năm 2000 Hạt Kiểm lâm Phú Lộc vinh dự được Chủ tich Nước phong tặng danh hiệu Tập thể Anh Hùng Lao Động trong thời kỳ đổi mới. Ngoài ra, có rất nhiều cán bộ công chức được nhận bằng khen của Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và các cấp chính quyền và từ các tổ chức khác.
Một phần thưởng lớn lao khác trong suốt 40 trưởng thành và phát triển của lực lượng Kiểm lâm Thừa Thiên Huế đó là sự tin tưởng của Tỉnh ủy, HDND và UBND tỉnh, của Đảng ủy và BGĐ Sở NN&PTNT, và của các cấp ủy và chính quyền địa phương, đặc biệt là sự tin yêu và giúp đỡ của đông đảo bà con các địa phương trên toàn tỉnh. Đây chính là niềm khích lệ lớn lao để toàn thể lực lượng Kiểm lâm Thừa Thiên Huế tiếp tục phấn đấu giành lấy những thành tựu to lớn hơn trong những năm tiếp theo.
Trong không khí hân hoan của Lễ kỷ niệm 43 năm ngày thành lập Kiểm lâm Việt Nam, 40 năm ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Thừa Thiên Huế, cho phép tôi được thay mặt toàn thể lực lượng, xin được bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến lãnh đạo Tỉnh ủy, HDND, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đến Đảng ủy và Ban giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo chính quyền và nhân dân các địa phương, lãnh đạo các ban ngành trong tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp và hỗ trợ giúp cho lực lượng Kiểm lâm Thừa Thiên Huế hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh nhà.
Xin được cám ơn toàn thể cán bộ, công chức Kiểm lâm qua nhiều thế hệ và gia đình của các đồng chí vì đã có những đóng góp và những nỗ lực vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để cho những cánh rừng hôm nay mãi mãi xanh tươi.
Trong những năm tiếp theo, lực lượng Kiểm lâm Thừa Thiên Huế quyết tâm sẽ tiếp tục kế thừa truyền thống tốt đẹp của lực lượng Kiểm lâm Việt Nam và Kiểm lâm Thừa Thiên Huế, để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, củng cố tổ chức, xây dựng lực lượng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các cơ quan liên quan và các tổ chức chính trị xã hội để tiếp tục phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, mãi mãi xứng đáng là người chiến sỹ tiên phong trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ phát triển rừng theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”.
Cuối cùng, xin được kính chúc quý vị lãnh đạo, quý vị đại biểu và toàn thể cán bộ công chức Kiểm lâm Thừa Thiên Huế qua các thời kỳ, nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
Xin trân trọng cám ơn!
NGUYỄN ĐẠI ANH TUẤN - CHI CỤC TRƯỞNG CHI CỤC KIỂM LÂM
Một số hình ảnh trong buổi lễ kỷ niệm