KBT Sao La Thừa Thiên Huế quản lý, bảo vệ 15.520 ha rừng tự nhiên với phần lớn là rừng đặc dụng; gồm 15 tiểu khu nằm trên địa bàn thuộc hai huyện A Lưới và Nam Đông; nằm ở khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh là Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, có đường biên giới chung với nước bạn Lào. KBT Sao la là một trong những khu vực rừng có trữ lượng gỗ lớn và tính đa dạng sinh học cao của tỉnh.
Nhìn chung trong thời gian qua, tình hình phá rừng và các tác động xâm hại đến tài nguyên rừng đã được hạn chế đáng kể, nhận thức về công tác bảo vệ rừng của người dân đã được nâng lên. Tuy vậy, tình hình vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ rừng từng nơi, từng lúc vẫn còn xảy ra, các đối tượng hoạt động dưới mọi hình thức và có tính chất tinh vi hơn. Chính vì thế dẫn đến nguy cơ nguồn tài nguyên đa dạng sinh học của KBT Sao La và vùng giáp ranh đang bị suy giảm nghiêm trọng, nhiều loài động thực vật rừng có nguy cơ đe dọa bị tuyệt chủng.
Do vậy, cần phải có các biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn triệt để các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, nhằm bảo vệ tốt vốn rừng hiện có, xóa bỏ điểm nóng về phá rừng, phát rừng làm nương rẫy, săn bắt ĐVHD, khai thác lâm sản, khoáng sản trái pháp luật trong lâm phận Khu bảo tồn, khu vực vùng đệm và khu vực biên giới.
Ngày 01 tháng 9 năm 2015 Hạt Kiểm lâm KBT Sao la đã chủ động xây dựng quy chế phối hợp trách nhiệm về QLBVR-PCCCR và bảo tồn ĐDSH với các ban ngành liên quan như như Công an huyện A Lưới, Đồn Biên phòng Hương Nguyên, Hạt Kiểm lâm A Lưới, BQL rừng phòng hộ A Lưới; Công an, Hạt Kiểm lâm và BQL rừng phòng hộ huyện Nam Đông.
Nội dung chủ yếu của quy chế phối hợp là:
- Phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân về Luật Bảo vệ và phát triển rừng và các văn bản quy phạm pháp luật khác của Nhà nước quy định về quản lý rừng, bảo vệ rừng và phát triển rừng để nhân dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ rừng; vận động nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản.
- Phối hợp trong công tác tuần tra bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng khai thác, mua bán vận chuyển trái phép lâm sản, khoáng sản, săn bẫy bắt động vật rừng; truy quét các tổ chức, cá nhân phá hoại rừng; trong công tác PCCCR và bảo tồn ĐDSH.
- Phối hợp trong công tác phát hiện và xử lý vi phạm trong lĩnh vực QLBVR và quản lý lâm sản.
- Phối hợp trong công tác trao đổi thông tin về tình hình vi phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn; khi phát hiện có sai phạm, tiêu cực trong lực lượng của các đơn vị tham gia phối hợp./.