DANH MỤC
04-05-2015 16:52
Hội nghị tổng kết công tác BVR-PCCCR năm 2014, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2015
Ngày 24/4/2015, UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị tổng kết công tác BVR-PCCCR năm 2014, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2015. Đồng chí Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng Tỉnh (BCĐ THKHBV&PTR), chủ trì Hội nghị.
Ngày 24/4/2015, UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị tổng kết công tác BVR-PCCCR năm 2014, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2015.
Đồng chí Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng Tỉnh (BCĐ THKHBV&PTR), chủ trì Hội nghị.
 

 

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, Thừa Thiên Huế có diện tích tự nhiên: 503.320,53 ha. Trong đó, diện tích có rừng: 296.075,84 ha. Bao gồm rừng tự nhiên là 202.551,95 ha và rừng trồng là 93.523,89 ha, độ che phủ rừng hiện nay đạt 56,61%.

Năm 2014, công tác QLBVR đã dần dần đi vào nề nếp, công tác PCCCR đã có sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy chính quyền địa phương, một số địa phương cũng huy động được sức dân cho công tác này, đảm bảo phát huy được phương châm 4 tại chỗ, 4 sẳn sàng trong PCCCR, nên đã không để xảy ra các vụ cháy lớn, cháy trên diện rộng, hạn chế thiệt hại về người và của, mặc dù thời tiết ngày mỗi khắc nghiệt hơn và nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong những tháng mùa khô tại TTH.

Công tác ngăn chặn phá rừng, bảo vệ các diện tích rừng đầu nguồn giàu trữ lượng cũng đã có nhiều kết quả khả quan, trong thời gian qua trên địa bàn toàn tỉnh không để xảy ra các điểm nóng về phá rừng, vận chuyển mua bán lâm sản trái phép, cơ bản các diện tích rừng tự nhiên của địa phương vẫn được kiểm soát tốt.

Hội nghị đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng để tăng cường công tác BVRPCCR hiệu quả trong năm 2015.

Hội nghị cũng đã biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu, đóng góp nhiều thành tích trong công tác BVR-PCCCR năm 2014 được Tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận và khen thưởng.

 

 

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh hoan nghênh ngành NNPTNT, lực lượng Kiểm lâm, các chủ rừng, chính quyền các địa phương và các ngành liên quan đã có sự vào cuộc mạnh mẽ, có trách nhiệm và có sự phối hợp hiệu quả trong công tác QLBVR trong thời gian qua.

Để khắc phục những khó khăn trong công tác QLBVR trong năm tới, các địa phương, đơn vị cần thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:

1. Chính quyền địa phương các cấp phải tăng cường trách nhiệm QLNN về rừng và đất rừng theo tinh thần QĐ07 của Thủ tướng Chính phủ về “thực hiện các biện pháp cấp bách QLBVR”.

UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế phải có kế hoạch huy động các lực lượng Công an, Quân đội phối hợp với Kiểm lâm kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn tình trạng phá rừng lấy gỗ, lâm sản và đất sản xuất trái phép, tập trung giải quyết dứt điểm các tụ điểm về phá rừng ngay từ khi mới manh nha, không để trở thành điểm nóng, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép.

Xử lý nghiêm minh những vi phạm theo pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, tập trung thống kê, điều tra triệt phá những “đầu nậu”, chủ đường dây khai thác, vận chuyển, mua bán trái phép lâm sản gắn với việc tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân để giáo dục, răn đe phòng ngừa, và tăng cường hoạt động tố giác tội phạm về lâm nghiệp.

2. Duy trì hoạt đông thường xuyên, có hiệu quả của BCĐ THKHBV&PTR các cấp; tổ chức quán triệt đến cấp ủy, chính quyền cơ sở và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg, Chỉ thị số 08/2006/CT-TTg, Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ tại các địa phương.

BCĐ các cấp tùy vào tình hình cụ thể tại địa phương để xây dựng các kế hoạch cụ thể về BVRPCCCR. Kế hoạch phải huy động được sức mạnh của các ban ngành liên quan, của cộng đồng địa phương, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ và 4 sẳn sàng cho công tác PCCCR, cũng như phương châm dựa vào tai mắt nhân dân để quản lý bảo vệ tài nguyên rừng nhất là các vùng rừng đầu nguồn giàu trữ lượng.

3. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động quần chúng tham gia QLBVR, coi công tác tuyên truyền là biện pháp cơ bản, và phải được chú trọng thường xuyên, thực hiện bằng nhiều hình thức trên nhiều kênh thông tin khác nhau, làm thế nào để mỗi cộng đồng xã hội đều nhận thức được tầm quan trọng của công tác quản lý tài nguyên rừng, từ đó thay đổi thái độ, và có hành vi ứng xử thân thiện với môi trường thiên nhiên.

4. Các đơn vị chủ rừng, trên cơ sở xác định vùng trọng điểm theo phương án phòng chống chặt phá rừng đã được phê duyệt, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực, trang thiết bị cần thiết và có biện pháp tổ chức lực lượng ngăn chặn, xử lý triệt để khi tình trạng chặt phá rừng mới phát sinh, tránh không để xảy ra thành điểm nóng phá rừng; có phương án tổ chức tuần tra, quản lý các khu vực dễ xảy ra cháy rừng, và bằng mọi biện pháp để ngăn chặn lửa rừng từ xa, không để xảy ra các vụ cháy trên diện rộng. Kiểm lâm có trách nhiệm phối hợp và đặc biệt phải giám sát việc thực hiện phương án phòng chống chặt phá rừng tại các khu vực giáp ranh (dễ bị lấn chiếm) và rừng giàu trữ lượng ở thượng nguồn Hữu Trạch, Tả Trạch (dễ bị khai thác trái phép).

5. Lực lượng Kiểm lâm được xem như lực lượng nòng cốt tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp về QLBVR, cần tổ chức lực lượng phối hợp với các tổ chức, đơn vị và các ngành chức năng liên quan tuần tra, truy quét, ngăn chặn các hành vi chặt phá rừng, mua bán vận chuyển lâm sản trái phép; tổ chức giám sát các địa phương, đơn vị trong việc thực hiện các phương án PCCCR, quản lý xử lý thực bì trồng rừng và đốt nương rẫy trong suốt mùa khô, bảo đảm thông tin liên lạc về PCCCR trên toàn tỉnh để kịp thời tổ chức điều phối lực lượng quản lý cháy rừng theo phương án đã xây dựng./.