DANH MỤC
13-11-2017 15:25
Hội thảo truyền thông về REDD+ cho các đối tượng, cộng đồng trong vùng giảm phát thải Tỉnh Thừa Thiên Huế tại huyện Phú Lộc

Nhằm nâng cao nhận thức REDD+ cho cán bộ, người dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Lộc, ngày 10/11/2017 tại Hội trường Hạt Kiểm lâm Phú Lộc, Ban Quản lý Dự án FCPF tỉnh đã tổ chức hội thảo truyền thông về các nội dung liên quan đến biến đổi khí hậu (BĐKH), thực thi REDD+.... Mặc dù đang trong quá trình khắc phục hậu quả lũ lụt do cơn bão số 12 gây ra và chuẩn bị đối phó với cơn bão số 13 đang diễn biến phức tạp ngoài Biển Đông nhưng với tinh thần trách nhiệm, mong muốn học hỏi, tiếp thu kiến thức mới, các đại biểu đã tham gia đầy đủ với 40 người là cán bộ, người dân chủ chốt đại diện cho 13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Lộc.

Báo cáo viên trình bày tại hội thảo      

Tương tự như các cuộc hội thảo truyền thông tại huyện A Lưới và Nam Đông, nội dung của hội thảo tập trung vào 3 chủ đề chính: các nội dung cơ bản về BĐKH, mối liên hệ giữa rừng và BĐKH; REDD+ là gì, mục tiêu, hoạt động của chương trình REDD+ Việt Nam, sự giống và khác nhau giữa chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES) và REDD+; giới thiệu các thông tin về Dự án hỗ trợ sẵn sàng thực hiện REDD+ giai đoạn 2 (FCPF-2) tại Tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đại diện các nhóm trình bày kết quả thảo luận nhóm

Sau phần trình bày của các báo cáo viên về các chủ đề trên, các đại biểu cùng nhau trao đổi, thảo luận và giải đáp thắc mắc về các vấn đề liên quan. Cuối buổi hội thảo, các đại biểu chia thành 03 nhóm thảo luận theo 03 chủ đề chính:

- Nguyên nhân gây nên BĐKH, tại địa phương BĐKH đã ảnh hưởng lên đời sống của người dân như thế nào?

- Những nguyên gây gây nên mất rừng, suy thoái rừng tại địa phương và làm thế nào để hạn chế mất rừng và suy thoái rừng tại địa phương?

- Những việc làm của người dân địa phương góp phần thực hiện chương trình giảm phát thải.

Sau phần thảo luận, đại diện các nhóm trình bày kết quả thảo luận và thành viên các nhóm khác tham gia đóng góp ý kiến, làm rõ thêm vấn đề cần thảo luận; đặc biệt  các đại biểu đã chú trọng thảo luận về các giải pháp ứng phó với BĐKH tại địa phương  trước tình hình khí hậu đã và đang diễn biến phức tạp, khó lường.  

Thông qua kết quả đánh giá cuộc hội thảo, các đại biểu cơ bản hiểu được và nhận thức rõ các nguyên nhân, hậu quả, giải pháp phòng tránh BĐKH và các hoạt động cần thiết trong quá trình thực thi REDD+, sự cần thiết phải thực hiện REDD+ tại địa phương. Đây cũng là những kiến thức cơ bản, cần thiết giúp cho các đại biểu trở về lại địa phương nơi công tác và sinh sống để tuyên truyền lại cho các đối tượng liên quan khác trong cộng đồng biết và có ý thức hơn trong hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, từng bước góp phần thực thi hiệu quả Kế hoạch hành động REDD+, Chương trình giảm phát thải./.