DANH MỤC
22-10-2018 13:54
Hội thảo truyền thông về REDD+ tại thị xã Hương Thủy và huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế

Dự án Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ tại Việt Nam giai đoạn 2 với Mục tiêu là hỗ trợ nâng cao năng lực tổ chức và kỹ thuật cho các cơ quan liên quan ở Trung ương và sáu tỉnh thuộc Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế) nhằm chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+. Qua đó rút ra các bài học kinh nghiệm, góp phần xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống tổ chức và năng lực kỹ thuật đảm bảo việc quản lý điều phối và vận hành hiệu quả các chương trình, dự án về REDD+ tại Việt Nam.

Tiếp tục thực hiện quyết định 634/QĐ-DALN-FCPF, ngày 22/5/2018 của Ban quản lý các Dự án Lâm nghiệp về phê duyệt “ Đề xuất và dự toán chi tiết hoạt động truyền thông phối hợp với các cơ quan trung ương, địa phương nâng cao nhận thức về REDD+ cho các đối tượng, cộng đồng năm trong vùng giảm phát thải” và trên cơ sở thực hiện thành công hội thảo truyền thông tại huyện A Lưới, trong tháng 8-9 năm 2018, Ban quản lý Dự án tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục tổ chức 03 đợt hội thảo truyền thông với mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức REDD+ cho người dân các xã trong vùng giảm phát thải tại huyện Phú Lộc và thị xã Hương Thủy tỉnh Thừa Thiên Huế.  Các cuộc hội thảo truyền thông có sự tham gia của 110 đại biểu (trong đó có hơn 30% là phụ nữ) từ 13 xã, thị trấn của huyện Phú Lộc (2 cuộc) và 2 xã Phú Sơn, Dương Hòa của thị xã Hương Thủy (1 cuộc),  các đại biểu đến  từ các phòng, ban của UBND cấp huyện, cấp xã các tổ chức đoàn thể tại địa phương (Hội thanh niên, Hội Phụ nữ) và đại diện các cộng đồng dân cư.

Cán bộ Kiểm lâm trình bày về REDD+ tại Hội thảo ở huyện Phú Lộc

Nội dung truyền thông tập trung vào 4 chủ đề:

1. Rừng và biến đổi khí hâu, REDD+ và dự án FCPF-2;

2. Những hoạt động REDD+ tại tỉnh năm 2017 và định hướng trong thời gian tới;

3. Giới thiệu về Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ER-P), PRAP và biện pháp can thiệp cho từng địa phương;

4. Giới thiệu FLEGT (Thực thi lâm luật, quản trị và thương mai lâm sản), những hình thức vi phạm lâm luật và quy định xử phạt

Một người dân có nhiều rừng đang đóng góp ý kiến tại hội thảo

Sau khi được nghe các bài trình bày về các vấn đề về REDD+, các đại biểu đã tập trung phần lớn thời gian cho hỏi-đáp, thảo luận, xoay quanh vấn đề biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng như thế nào đến địa phương, những nguyên nhân gây mất rừng, suy thoái rừng, những hoạt động có thể tham gia vào việc giảm phát thải,… Các đại biểu đã có những câu hỏi rất hay về những hoạt động thực tế của REDD+ và được cán bộ của Dự án giải thích rõ ràng.

Kết thúc hội thảo, các đại biểu đã phân tích kỹ những nguyên nhân gây mất rừng, suy thoái rừng; hiểu rõ hơn các nguyên nhân gây nên biến đổi khí hậu, hậu quả của nó đối với môi trường, đời sống của người dân và cộng đồng,  đồng thời có ý thức hơn trong việc tham gia quản lý, bảo vệ rừng nhằm góp phần giảm phát thải tại địa phương với mục tiêu giảm thiểu biến đổi khí hậu và thực hiện REDD+. Qua hội thảo các đại biểu nhất trí sẽ tiếp tục công tác tuyên truyền những nội dung của Hội thảo này cho những người dân trong cộng đồng chưa có điều kiện tham gia hội thảo, để mọi người đều được nâng cao nhận thức và tích cực tham gia những hoạt động thực tế của REDD+.

REDD+ với Thừa Thiên Huế là một sáng kiến còn khá mới lạ nên Dự án FCPF-2 Trung ương đã bổ sung thêm kinh phí cho hoạt động truyền thông tại tỉnh Thừa Thiên Huế, nên trong thời gian tới, Dự án sẽ tiếp tục tổ chức 7 hội thảo truyền thông tại thị xã Hương Trà, các huyện Nam Đông, Phong Điền, và 2 huyện vùng đầm phá ven biển là Phú Vang, Quảng Điền để  nâng cao nhận thức, năng lực cho người dân và cộng đồng về bảo vệ môi trường, tài nguyên rừng, chống biến đổi khí hậu và hỗ trợ thực thi REDD+./.