DANH MỤC
25-11-2017 09:44
Hội thảo truyền thông về REDD+ tại xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền

Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về REDD+ trên địa bàn tỉnh, ngày 24/11/2017, Ban quản lý Dự án FCPF tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Phong Điền tổ chức Hội thảo về giảm phát thải khí nhà kính thông qua nổ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn nâng cao trữ lượng các bon rừng (REDD+) cho các đối tượng, cộng đồng trong vùng ưu tiên giảm phát thải huyện Phong Điền.

Hội thảo diễn ra tại Hội trường UBND xã Phong Mỹ với sự tham gia của 40 đại biểu đại diện cho 03 xã Phong Sơn, Phong Mỹ và Phong Xuân , huyện Phong Điền. Ông Bùi Lê Inh, cán bộ Dự án FCPF chủ trì và chịu trách nhiệm báo cáo chính tại hội thảo. Các Kiểm lâm viên thuộc Chi cục Kiểm lâm và Hạt Kiểm lâm huyện Phong Điền hỗ trợ thúc đẩy, chia sẽ bổ sung thông tin tại hội thảo.

Báo cáo viên trình bày tại hội thảo

   Nội dung báo cáo tại hội thảo tập trung các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu (BĐKH), mối liên hệ giữa rừng và BĐKH; REDD+ là gì, mục tiêu, hoạt động của chương trình REDD+ Việt Nam, sự giống và khác nhau giữa chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES) và REDD+; giới thiệu các thông tin về Dự án hỗ trợ sẵn sàng thực hiện REDD+ giai đoạn 2 (FCPF-2) tại Tỉnh Thừa Thiên Huế.

Để tạo không khí thoải mái và phát huy tối đa mọi ý kiến tham gia của các đại biểu, Hội thảo chia thành 03 nhóm thảo luận theo các chủ đề mang tính thời sự đang diễn ra tại địa phương như: BĐKH đã ảnh hưởng lên đời sống của người dân như thế nào? Nguyên nhân mất rừng, suy thoái rừng và những biện pháp hạn chế? Người dân cần làm những gì để góp phần thực hiện chương trình giảm phát thải,…

Sau phần thảo luận, đại diện các nhóm trình bày kết quả thảo luận và thành viên các nhóm khác tham gia đóng góp ý kiến, làm rõ thêm vấn đề cần thảo luận; đặc biệt  các đại biểu đã chú trọng thảo luận về các giải pháp để thực thi hiệu quả REDD+, các biện pháp ứng phó với BĐKH, vai trò giới trong tiến trình thực thi REDD+…

Đại diện nữ của nhóm trình bày kết quả thảo luận

Kết thúc hội thảo, các đại biểu cơ bản hiểu được và nhận thức rõ nguyên nhân, hậu quả, giải pháp phòng tránh BĐKH và các hoạt động cần thiết trong quá trình thực thi REDD+, sự cần thiết phải thực hiện REDD+ tại địa phương. Đặc biệt, sự nhiệt tình tham gia của phụ nữ và bà con dân tộc thiểu số tại hội thảo đã góp phần quan trọng trong việc truyền tải và lan tỏa thông tin tuyên truyền đến những đối tượng dễ bị tổn thương và người dân sống phụ thuộc chủ yếu vào rừng./.