Ngày 16/6/2017, UBND tỉnh tổ chức họp triển khai kế hoạch phát triển rừng trồng gỗ lớn, có chứng chỉ rừng FSC tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày 16 tháng 6 năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức cuộc họp triển khai kế hoạch phát triển rừng trồng gỗ lớn, có chứng chỉ rừng FSC (Forest Stewardship Council) năm 2017, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Cuộc họp đã nghe đồng chí Lê văn Hóa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, thừa ủy quyền của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả triển khai kết quả hoạt động quản lý rừng bền vững, phát triển rừng trồng gỗ lớn, có chứng chỉ rừng FSC năm 2016 và kế hoạch mở rộng năm 2017; trong đó, tập trung thảo luận các giải pháp triển khai nhiệm vụ mở rộng diện tích khu vực nhóm hộ năm 2017, với diện tích 2.010 ha, nâng tổng diện tích rừng trồng gỗ lớn, có chứng chỉ rừng FSC nhóm hộ lên 3.000 ha.
Thực hiện Quyết định số 795/QĐ-UBND ngày 21/4/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 204/KH-UBND ngày 28/12/2016 về kế hoạch phát triển rừng trồng gỗ lớn giai đoạn 2017 -2020, nhằm thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành và phát triển lâm nghiệp bền vững góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, tăng thu nhập cho người trồng rừng.
Triển khai kế hoạch quản lý rừng bền vững, có chứng chỉ rừng FSC, trong năm 2016 và 2017, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế đã ký kết thỏa thuận phối hợp với Dự án Mây, Tre, Keo Bền Vững thuộc tổ chức WWF, Công ty Scansia Pacific cùng với chính quyền địa phương cấp huyện/xã tổ chức hỗ trợ 14 nhóm hộ tại 11 xã/4 huyện thị: Phong Điền, Phú Lộc, Hương Trà và Hương Thủy và Công ty Lâm nghiệp Tiền Phong với hơn 4.000 ha rừng trồng (Nhóm hộ: 241 hộ, diện tích: 950,98 ha; Công ty Lâm nghiệp Tiền Phong, diện tích: 3.096,4 ha) được Tổ chức Quốc tế GFA đánh giá, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Để tiếp tục triển khai Kế hoạch năm 2017 và những năm tới, ngoài 4 huyện/thị đã thực hiện năm 2016, kế hoạch năm 2017 và những năm tới phát triển mở rộng thêm tại 2 huyện: Nam Đông và A Lưới.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận như sau:
Năm 2016, chúng ta đã đạt được kết quả tốt trong hoạt động quản lý rừng bền vững, phát triển rừng trồng gỗ lớn, có chứng chỉ rừng FSC (Nhóm hộ: 241 hộ, với 950,98 ha; Công ty Lâm nghiệp Tiền Phong: 3.096,4 ha). Trong chiến lược phát triển kinh doanh lâm nghiệp cần tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả của chuỗi giá trị rừng trồng gỗ lớn, có chứng chỉ rừng FSC.
Phát triển rừng trồng gỗ lớn là một trong những nội dung trọng tâm của tái cơ cấu ngành lâm nghiệp của tỉnh. Vì vậy, phải tập trung lãnh, chỉ đạo phấn đấu mở rộng trong năm 2017 diện tích tối thiểu 2.000 ha rừng trồng Keo, có chứng chỉ rừng FSC, trên 6 huyện/thị: Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Lộc, A Lưới và Nam Đông, nâng tổng số diện tích rừng trồng có chứng chỉ rừng FSC khu vực hộ gia đình lên 3.000 ha. Công ty LN Phong Điền và các doanh nghiệp trồng rừng trên địa bàn tỉnh căn cứ vào điều kiện kinh doanh cụ thể để tích cực tham gia vào kế hoạch. Về lâu dài, tỉnh sẽ nghiên cứu chính sách hỗ trợ và sẽ điều chỉnh kế hoạch số 204/KH-UBND phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân và các doanh nghiệp tham gia phát triển rừng trồng gỗ lớn, có chứng chỉ rừng FSC.
Để đạt được được chỉ tiêu kế hoạch nói trên, các địa phương, ban ngành của tỉnh đồng bộ tiến hành thực hiện các nội dung sau:
- Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với Dự án Mây, Tre, Keo Bền Vững, Công ty Scansia Pacific cùng với UBND các huyện, thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền; kêu gọi các doanh nghiệp lớn tham gia chứng chỉ rừng FSC; tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho người dân, doanh nghiệp bảo đảm đáp ứng các nguyên tắc và tiêu chí FSC; có kế hoạch kiểm tra, đôn đốc chỉ đạo triển khai kế hoạch đến tận địa bàn xã/thôn trên địa bàn tỉnh
- Đối với các Sở ngành liên quan, Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị liên quan để thực hiện các chính sách phát triển rừng trồng gỗ lớn theo kế hoạch của tỉnh.
- Đối với UBND huyện, thị xã, Chủ động chỉ đạo UBND các xã, phường tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện triển khai kế hoạch, chỉ tiêu đã đăng ký; tuyên truyền, vận động bằng các hình thức đơn giản, nội dung dễ hiểu về lợi ích của việc phát triển rừng trồng gỗ lớn, có chứng chỉ rừng FSC để người dân hiểu rõ, hiểu đúng và tích cực tham gia; đồng thời, có văn bản chỉ đạo các ban ngành liên quan và UBND cấp xã phối hợp triển khai kế hoạch của UBND tỉnh; đưa nhiệm vụ phát triển rừng trồng gỗ lớn, có chứng chỉ rừng FSC vào nhiệm vụ kinh tế - xã hội của cấp huyện và cấp xã để tổ chức thực hiện.
- Đối với các đơn vị chủ rừng, Rà soát diện tích rừng trồng của đơn vị quản lý để có kế hoạch tham gia phát triển rừng trồng gỗ lớn theo kế hoạch của tỉnh; tăng cường tiếp cận thông tin về phát triển rừng trồng gỗ lớn, có chứng chỉ rừng FSC và các nguyên tắc, tiêu chí quản lý rừng bền vững FSC.
- Đối với các cơ quan truyền thông, báo chí, Tích cực phối hợp với các địa phương, các ban ngành chức năng tổ chức công tác tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về thực hiện kế hoạch Phát triển rừng trồng gỗ lớn, có chứng chỉ rừng FSC.
- Đối với Dự án Mây, Tre, Keo Bền Vững/WWF và Công ty Scansia Pacific (đại diện là Công ty Chế biến gỗ Minh An), Đề nghị tiếp tục phối hợp và hỗ trợ mạnh mẽ các hoạt động Quản lý rừng bền vững, phát triển rừng trồng gỗ lớn, có chứng chỉ rừng FSC trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là đối tượng nhóm hộ, để triển khai hoàn thành kế hoạch của tỉnh trong năm 2017 và những năm tới./.