Huyện Phú Lộc tổng kết công tác giao rừng, cho thuê rừng giai đoạn 2010-2014
Ngày 15/10/2015, UBND huyện Phú Lộc đã tổ chức tổng kết công tác thực hiện phương án giao rừng, cho thuê rừng giai đoạn 2010-2014.Thực hiện Quyết định số 430/QĐ-UBND ngày 02 tháng 3 năm 2010 của UBND tỉnh TT-Huế về phê duyệt Đề án giao rừng, cho thuê rừng tỉnh TT-Huế giai đoạn 2010-2014 (gọi tắt là Đề án 430), UBND huyện Phú Lộc đã giao mới tổng cộng 377,60 ha rừng tự nhiên cho các chủ rừng quản lý, bảo vệ bao gồm:
- 30 hộ gia đình được giao 179,60 ha;
- 4 cộng đồng dân cư thôn được giao 198 ha.
Giao rừng, cho thuê rừng cho các tổ chức, hộ gia đình và các cá nhân quản lý, sử dụng lâu dài vào mục đích lâm nghiệp là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Đây là bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, làm cho rừng có chủ thực sự, người dân yên tâm quản lý, đầu tư phát triển rừng trên diện tích rừng được giao, phát huy sức mạnh của toàn xã hội để bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng.
Sau khi được giao rừng, các chủ rừng đã tổ chức thực hiện việc quản lý, bảo vệ rừng như nắm sát tình hình rừng, lập sổ theo dõi về tình hình diễn biến tài nguyên rừng và tình hình vi phạm pháp luật Lâm nghiệp dưới sự hướng dẫn nghiệp vụ của Kiểm lâm địa bàn. Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn, phòng ngừa và chống mọi hành vi chặt phá rừng, săn bắt, bẫy động vật rừng trái phép. Bên cạnh đó, các chủ rừng đã phối hợp với lực lượng Kiểm lâm và chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể ở xã, huyện như Mặt trận, Hội nông dân, Đoàn TN, Hội phụ nữ… phối hợp tổ chức tuyên truyền vận động đến tận từng hộ gia đình thông qua các hoạt động ký cam kết bảo vệ rừng, họp cụm dân cư hàng năm để phổ biến các chính sách, pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực QLBVR, trồng rừng; tuyên truyền để người dân hiểu rõ tầm quan trọng của rừng, ý nghĩa và tác dụng của việc bảo vệ rừng qua các cuộc hội nghị của thôn. Đối với công tác phát triển rừng sau giao rừng, các cộng đồng dân cư thôn Thủy Dương (xã Lộc Tiến) và thôn Thủy Cam, thôn Phú Xuyên (xã Lộc Thủy) đã thực hiện tốt mô hình trồng mây dưới tán rừng với sự hỗ trợ của Dự án “Phát triển lâm nghiệp cộng đồng”.
Có thể nói chủ trương, chính sách giao đất giao rừng đã tạo nên sự chuyển biến tích cực cho sự nghiệp bảo vệ rừng, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân làm nghề rừng. Tuy nhiên, trong thực tiễn thực thi chính sách và quản lý còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: diện tích rừng tự nhiên được giao hầu hết là rừng nghèo, trữ lượng thấp nên các chủ rừng chưa được hưởng lợi; công tác phát triển rừng chưa được chủ rừng chú trọng do thiếu nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ; hiệu quả kinh tế từ rừng trồng ngày càng lớn nên áp lực vào rừng tự nhiên đã giao ngày càng cao; một số diện tích rừng tự nhiên nằm ngoài lưu vực cung cấp thủy điện, cung cấp nước cho các nhà máy nên không được chi trả dịch vụ môi trường rừng;…
Để khắc phục các vấn đề trên, UBND huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm, UBND cấp xã, các đoàn thể cùng phối hợp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền các hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng tự nhiên được giao; khuyến khình tham gia các mô hình kinh doanh dưới tán rừng nhằm tăng thu nhập cho các chủ rừng: như trồng mây, trồng các cây thuốc…Kêu gọi đầu tư và hỗ trợ các chủ rừng trong công tác bảo vệ rừng khi có yêu cầu. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng quỹ chi trả dịch vụ môi trường, đảm bảo sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích; kiểm tra công tác bảo vệ rừng. Đối với các chủ rừng cần tăng cường trách nhiệm đối với rừng tự nhiên được giao, nắm rõ ranh giới, địa điểm khu rừng và tình hình phát triển rừng. Phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm đến khu vực rừng được giao. Cam kết và thực hiện tốt việc sử dụng quỹ chi trả dịch vụ môi trường rừng.
UBND huyện Phú Lộc đề nghị các cơ quan liên quan cần có các chính sách, chương trình dự án để hỗ trợ kinh phí cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng sau giao rừng. Đồng thời cần tiến hành việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật về giao đất, giao rừng cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay; đặc biệt là chính sách hưởng lợi của chủ rừng nhằm khuyến khích tham gia nhận đất, nhận rừng để quản lý bảo vệ và sản xuất kinh doanh hiệu quả./.