Tại Việt Nam có 3 loài Vắt (Heamadipsa): Vắt xanh (hay vắt lá), vắt đen và vắt vàng. Vắt xanh thường sống ở các tỉnh trung du và miền núi phía bắc, nhất là ở vùng bắc dãy Trường Sơn. Hai loài sau thường thấy ở khu vực miền trung - Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Vắt là con vật nhỏ, trọng lượng trung bình khoảng hơn 100mg, dài cỡ 3-5cm, có giác bám ở đầu và đuôi. Cấu tạo của cơ thể vắt khá hoàn chỉnh, với miệng, thực quản, dạ dày, ruột, hậu môn. Chúng di chuyển bằng cách “co đi, co lại” thân mình với 33 đốt sống. Lúc nghỉ ngơi, vắt co lại, dài cỡ 2-3 cm. Tới khi di chuyển, cơ thể chúng lại dài gấp đôi.
Vắt rất háu ăn. Mỗi lần hút máu, chúng có thể hút một lượng máu lớn gấp tám đến mười lần trọng lượng cơ thể. Một con vắt có trọng lượng khoảng 100mg có thể hút tới… 1000mg máu. Điều kỳ lạ là mỗi khi “ăn” xong, chúng để “thức ăn” được tiêu hóa dần trong cơ thể thậm chí trong nhiều tháng nhưng cơ thể vẫn phát triển bình thường. Tương tự như đỉa, máu không bị đông trong dạ dày vắt do một chất chống đông có trong cơ thể của chúng, gọi là chất Hirudin.
Vắt rất "khôn". Chúng thường sống tập trung rình mồi ở những nơi có đường mòn, lạch nhỏ có nhiều người hoặc thú qua lại. Chúng cũng hay “phục kích” ở các hốc cây, hố trũng - nơi thú hay ẩn nấp hoặc làm tổ đẻ. Vắt thường đi tìm mồi vào giấc 5-8 giờ sáng hoặc từ 17-19 giờ tối. Lúc trời mưa lớn, vắt thường "bám trụ" đâu đó để tránh bị nước cuốn trôi. Thế nhưng sau cơn mưa, vắt bủa ra rất nhiều.
Nắm được đặc tính của loài vắt này, trong khuôn khổ hợp phần tăng cường quản lý các Khu bảo vệ của Dự án CarBi, dự án đã có triển khai hoạt động thu mẫu vắt để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học nhằm phát hiện các loài động vật hoang dã qua lấy máu vắt để phân tích ADN.
Ban quản lý KBT Sao la Thừa Thiên Huế đã đồng ý cho phép Dự án CarBi được thu thập mẫu vắt phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.
Các chuyên gia của dự án đã sử dụng các ống chứa vắt với dung dịch đệm bảo quản có thành phần hóa học theo đúng quy định của quốc tế.
Kết quả phân tích ADN của những ống mẫu máu vắt ban đầu đã ghi nhận sự có mặt của các loài quan trọng như Lợn rừng, Sơn Dương, Chồn, Mang, Khỉ… Tuy nhiên, loài Sao la vẫn chưa được ghi nhận qua phương pháp phân tích này. Hy vọng kết quả phân tích các mẫu trong những lần thu tiếp theo trong thời gian tới sẽ ghi nhận được sự hiện diện của Sao la ở KBT Sao la.