DANH MỤC
14-09-2015 10:44
Sử dụng bẫy ảnh phục vụ giám sát đa dạng sinh học

Khi máy ảnh hồng ngoại ra đời khoảng năm 1990, bẫy ảnh mới được giới bảo tồn sử dụng như một công cụ nghiên cứu và giám sát ĐDSH. Ngày nay, cùng với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số, bẫy ảnh ngày càng được sử dụng rộng rãi. Loại máy ảnh thường được sử dụng là máy ảnh kỹ thuật số tự động có kích thước nhỏ gọn và hoạt động theo nguyên tắc cảm biến nhiệt độ và sự chuyển động để ghi lại những hình ảnh động vật trong tự nhiên.

Bẫy ảnh đã thực sự tạo ra một cuộc cách mạng trong nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã, cho phép các nhà khoa học thu thập được những hình ảnh mới lạ về các loài động vật quý hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng với những thao tác đơn giản và chi phí hợp lý mà không làm xáo trộn đời sống của các loài động vật. Hơn nữa, bẫy ảnh còn lưu lại được nhiều hình ảnh đẹp đẽ và độc đáo về thiên nhiên hoang dã mà các nhà nhiếp ảnh khó có cơ hội chụp được.

Các tổ chức quốc tế như Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cũng nhận định, bẫy ảnh là công cụ quan trọng trong các chiến dịch bảo vệ các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Hiện nay WWF đang giúp KBT Sao la TT Huế và Quảng Nam đặt các bẫy ảnh trong khu bảo tồn để hy vọng có thêm nhiều hình ảnh của các loài ĐVR.

Ở tỉnh TT Huế, với phương pháp khảo sát và đặt bẫy ảnh, KBT Sao la đã phát hiện và ghi nhận nhiều loài động vật quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ IUCN đang có nguy cơ tuyệt chủng như: sao la, các loài mang (nghi vấn có thể là mang lớn, mang trường sơn), vọoc, trĩ sao, gà lôi...

Đặc biệt mới đây, bất ngờ phát hiện cá thể thỏ vằn (Nesolagus Timminsi) với đặc điểm có lớp lông pha điểm những vết vằn.. Trước đó, loài thú quý hiếm này được tìm thấy ở Quảng Bình và Nghệ An, nhưng mới đây lần đầu tiên phát hiện tại KBT Sao la Thừa Thiên - Huế. Đây là thông tin thú vị nhưng cũng đặt ra nhiều trăn trở đối với những người làm công tác bảo tồn thiên nhiên. Khác với thỏ rừng sinh sản nhanh, thỏ vằn có quần thể rất ít, chỉ còn khoảng 100 đến 200 con ngoài tự nhiên, phạm vi phân bố hẹp, đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề cần lưu tâm và đặt ra cho những người làm công tác bảo tồn thiên nhiên nhiều trăn trở.

Đầu tháng 9/2013, hình ảnh Sao la lại được ghi nhận thông qua bẫy ảnh tự động đặt trong KBT Sao la Quảng Nam. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng vào thời điểm hiện tại, khi niềm tin vào sự tồn tại của Sao la ngoài tự nhiên, cũng như vào hiệu quả bảo tồn Việt Nam dang bị sụt giảm, nhất là sau khi loài tê giác Java chính thức tuyệt chủng ở Việt Nam năm 2011. Các nhà bảo tồn, WWF cho rằng đây là bằng chứng quan trọng, chứng minh cho tính đúng đắn và là kết quả của những đầu tư và nỗ lực bảo tồn ĐDSH ở khu vực Trung Trường Sơn trong nhiều năm qua. Thậm chí, việc tái xuất hiện này còn được cho là minh họa cho sự cần thiết của các mô hình bảo tồn ĐDSH dựa vào cộng đồng trong thực tiễn ở Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên, bẫy ảnh cũng có một số nhược điểm về giới hạn góc chụp và chi phí sử dụng. Vì chỉ thu được hình ảnh trong một khoảng không gian hẹp nên bẫy ảnh rất dễ để mất dấu các loài động vật. Các nhà nghiên cứu đã phải khắc phục nhược điểm này bằng cách đặt đồng thời nhiều bẫy ảnh nhằm thu được những hình ảnh chính xác từ nhiều góc độ.

Chi phí sử dụng bẫy ảnh tất nhiên cũng không phải nhỏ. Một chiếc máy ảnh có thể sử dụng làm bẫy ảnh thường có giá khá cao. Thêm nữa, máy ảnh cũng có thể bị vỡ khi bị các loài vật tấn công và đôi khi bị trộm cắp. Tuy nhiên, cho đến nay bẫy ảnh vẫn được ghi nhận và đánh giá là công cụ nghiên cứu hữu hiệu phục vụ đắc lực cho công tác giám sát ĐDSH./.

(Trong bài viết có sử dụng 1 số thông tin tư liệu từ internet, KBT Sao la và đồng nghiệp)