Thực hiện Quyết định phê duyệt dự án “Tăng cường và nhân rộng sản xuất và nguồn cung Mây, Tre và Keo có trách nhiệm bởi những nhà sản xuất quy mô nhỏ tại Quảng Trị, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế giai đoạn 2015-2017 (Dự án Mây Tre Keo Bền vững - SBARP) của UBND tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế; WWF Việt Nam đang cùng các đối tác địa phương phối hợp chặt chẽ để triển khai dự án trên địa bàn 3 tỉnh này. Để chính thức hợp tác thực hiện dự án ở các tỉnh, WWF Việt Nam đã tổ chức Hội thảo giới thiệu dự án vào ngày 27/3/2015 cho các đối tác 3 tỉnh nhằm cung cấp các nội dung liên quan về dự án cũng như xây dựng các mối liên kết phối hợp thực hiện dự án giữa các bên tham gia.
Nội dung chính của Hội thảo là: Giới thiệu tổng quan dự án Mây, Tre, Keo bền vững ở 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia; Giới thiệu tổng quan dự án Mây, Tre, Keo bền vững ở Việt Nam (Quảng Trị, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế); Chia sẻ về hiệu quả tác động chương trình Chứng chỉ rừng tại Quảng Trị; Chia sẻ kết quả và lợi ích tham gia chứng chỉ rừng FSC của nhóm hộ gia đình; Chia sẻ kinh nghiệm và kết quả của mô hình trồng Mây có sự tham gia của cộng đồng huyện A Lưới; Xu hướng thị trường đối với nguyên liệu gỗ có chứng chỉ rừng FSC…
Những năm gần đây WWF đã thúc đẩy thành công mô hình sản xuất và nguồn cung ứng có trách nhiệm các sản phẩm rừng (chủ yếu là Mây và gỗ rừng trồng) của các cộng đồng và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đã có nhiều hoạt động có hiệu quả được thực hiện với tác động tốt cũng như nhiều kinh nghiệm đã được tài liệu hóa, bao gồm mô hình quản lý rừng bền vững được chứng nhận FSC; sự tham gia của nhà nước ví dụ như đầu tư ngân sách vào chuỗi cung ứng Mây; nâng cao năng lực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của cộng đồng và liên kết với các doanh nghiệp thu mua tư nhân; thí điểm thành công công nghệ chế biến Mây thân thiện với môi trường; và xuất bản một hướng dẫn tổng hợp các hệ thống phân lọai, sinh thái và quản lý Mây ở khu vực sông Mê-kong.
Tuy vậy vẫn còn nhiều rào cản và cơ hội cải thiện ngoài những thành công này. Dự án này được triển khai với mục tiêu xây dựng 5 lĩnh vực chiến lược can thiệp trong 3 năm (từ tháng 9/2014 đến tháng 8/2017) tóm tắt như sau:
1.Quy hoạchsử dụng đất được cải thiện trong khu vực công và tư nhân;
Quy hoạch sử dụng đất rừng có sự tham gia được phát triển và phê duyệt bởi chính quyền cấp tỉnh tại các tỉnh địa bàn dự án để hướng dẫn quản lý nguồn tài nguyên bền vững và phát triển các mặt hàng từ rừng.
2.Môi trường quản lý rừng có trách nhiệm được cải thiện
Cơ chế và hỗ trợ cho việc đầu tư tài chính vào sự phát triển doanh nghiệp quy mô nhỏ và sản xuất hàng hóa bền vững được phát triển và xác nhận bởi các bên tham gia có liên quan (các ngân hàng; các tổ chức tài chính khác; nhà nước và tư nhân…) mà các doanh nghiệp quy mô nhỏ có thể tiếp cận được để phát triển bền vững lâu dài các mặt hàng.
3.Chất lượng hệ thống chứng nhận rừng được cải thiện
Các phương pháp giám sát và đánh giá hiệu quả chi phí tài chính thực tế được phát triển bởi dự án cho các khu vực có giá trị bảo tồn cao (HCVs) và các lĩnh vực xã hội và môi trường khác của việc sản xuất các mặt hàng. Các cơ chế giám sát ở các cấp độ khác nhau được kiểm chứng và áp dụng nhằm đạt được các mục tiêu đề ra ở kết quả 4.
Các loài Mây và Tre được sử dụng ít được đánh giá về tiềm năng sản xuất bền vững và lồng ghép vào các hoạt động dự án và các chương trình hỗ trợ của chính phủ khi phù hợp.
4.Tăng khu vực rừng được quản lý tốt và được chứng nhận
Hỗ trợ kỹ thuật được cung cấp để mở rộng diện tích quản lý rừng Keo, Mây và tre có trách nhiệm tại các tỉnh địa bàn dự án thông qua tuyển chọn các nhà sản xuất quy mô nhỏ và các công ty trồng rừng tham gia vào hệ thống từng bước mở rộng về chứng chỉ rừng FSC của WWF/GFTN.
5.Tăng cường chuỗi thị trường lâm sản đáng tin cậy và được chứng nhận
Nhóm tham gia đầu mối giữa WWF-GM và cơ sở kinh doanh của IKEA ở Đông Nam Á được thiết lập với điều khoản tham chiếu (TOR) cụ thể nhằm cải thiện thông tin liên lạc và điều phối thị trường cho việc phát triển bền vững các chuỗi cung. Các mô hình kinh doanh khả thi được phát triển bao gồm các nhà xưởng/nhà máy và các kho hàng được thúc đẩy và kết nối đến chuỗi cung của IKEA.
Dự án được triển khai có hiệu quả sẽ đóng góp vào công tác bảo tồn cảnh quan khu vực Trung Trường Sơn, Khu cảnh quan ưu tiên thuộc 4 tỉnh Nong Khai; Nakhonphanom; Bolikhamxay và Khammouane và Nam Lào, bao gồm:
-Bảo tồn thường niên rừng tự nhiên và thảm thực vật tự nhiên nổi trội nằm trong những khu vực được WWF hỗ trợ quản lý thuộc các vùng cảnh quan tiêu điểm (bao gồm các Vùng cảnh quan Trung Trường Sơn, Khu cảnh quan ưu tiên thuộc 4 tỉnh Nong Khai; Nakhonphanom; Bolikhamxay và Khammouane và Nam Lào). Giữ mức chuyển đổi rừng tự nhiên ở khu vực này ở mức từ 0,5% trở xuống.
- Ít nhất 840 km2 diện tích rừng quản lý thuộc các vùng cảnh quan ưu tiên được chứng nhận độc lập đáp ứng tiêu chuẩn về quản lý rừng FSC.
-Hàng năm, có ít nhất 24.000 m3 gỗ và 175 tấn lâm sản phi gỗ thuộc các vùng cảnh quan ưu tiên được sản xuất và phân phối thông qua một chuỗi hành trình sản phẩm được chứng nhận độc lập đáp ứng các tiêu chuẩn về hành trình sản phẩm của FSC.
Nhìn chung, hoạt động can thiệp này dựa trên ý tưởng hoạt động thâm canh nông lâm nghiệp bền vững phụ thuộc lớn vào việc lồng ghép sản xuất hàng hóa, đa dạng sinh học và sinh kế nông thôn ở mức độ vùng cảnh quan. Việc quy hoạch sử dụng đất sẽ cung cấp khung tổng thể cho hoạt động lồng ghép này. Trong hoạt động này, việc tập trung vào cả rừng tự nhiên (Mây và Tre) và rừng trồng (Keo) sẽ giúp bảo đảm nguồn cung cấp các lâm sản và dịch vụ bền vững ở cấp độ vùng cảnh quan. Ngoài những lợi ích mà rừng tự nhiên mang lại, các khu rừng trồng được quy hoạch và quản lý phù hợp cũng có thể đóng góp vào công cuộc kết nối các sinh cảnh rừng bị chia cắt, ổn định và phục hồi rừng thứ cấp, cải thiện điều kiện đất, bảo vệ các quần thể thực vật tự nhiên tái sinh và hấp thụ các-bon./.