Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có nhiều thế mạnh về rừng, tỷ lệ che phủ đạt 56,6%. Để tạo sự đổi mới, tăng tính hiệu quả và thiết thực đối với nghề rừng, tỉnh đã xây dựng đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR); đồng thời thành lập Qũy Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế, làm đầu mối thực hiện thu, chi trả phí DVMTR. Đây là nguồn lực quan trọng thúc đẩy thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Đối với các nhà quản lý, chi trả DVMTR còn là vấn đề mới, phức tạp. Theo ý kiến chung, vấn đề thu không khó, nhưng chi trả phải có chính sách cụ thể; đồng thời phải thực hiện thẩm định, giám sát việc người trồng và bảo vệ rừng có được hưởng lợi hay không. Quá trình thực hiện đòi hỏi phải xác định chính xác ranh giới, chủ rừng, trữ lượng, chất lượng rừng, lưu vực thủy điện…
Mục tiêu của việc thu quỹ nhằm phục vụ cho công tác QLBVR. Trước mắt, việc chi trả sẽ áp dụng cho đối tượng là những chủ rừng tự nhiên. Tuy nhiên, việc chi trả phải căn cứ trên cơ sở nhu cầu, kế hoạch hoạt động bảo vệ rừng cụ thể và mức chi trả hợp lý.
Tháng 9/2015, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng 2 đợt cho cho các chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ và cộng đồng trên địa bàn huyện A Lưới.
Đợt 1: (5/9/2015) chi trả cho các chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ và cộng đồng ở các xã Hồng Kim, Hồng Thượng , Nhâm và thị trấn A Lưới.
Đến tham dự hoạt động chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng có ông Lê Trần Nguyên Hùng – PGĐ Sở Nông nghiện & PTNT; ông Lê Văn Trừ - Tỉnh Ủy viên, chủ tịch HĐND huyện A Lưới; ông Nguyễn Mạnh Hùng - phó Bí thư huyện ủy, phó chủ tịch UBND huyện A Lưới; lãnh đạo UBND các xã và sự hiện diện của hơn 80 chủ rừng đến từ các xã Hồng Thượng, Hồng Kim, Nhâm và thị trấn A Lưới.
Trong đợt này, Quỹ BV&PTR tiến hành chi trả ủy thác tiền dịch vụ môi trường rừng với diện tích là 2.391 ha cho các chủ rừng là 50 hộ gia đình, 21 nhóm hộ và 11 cộng đồng với số tiền tương ứng là 1.374.690.000 đồng.
Đợt 2: (28/9/2015) Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức chi trả DVMTR cho bốn xã: Bắc Sơn, Hồng Trung, Hồng Quảng, Hồng Thái thuộc lưu vực thủy điện A Lưới với số tiền 734.266.000 đồng cho 59 hộ gia đình, 17 nhóm hộ và 6 cộng đồng trên tổng diện tích 1.277 ha.
Người dân cũng như chính quyền địa phương rất phấn khởi khi nhận được tiền DVMTR. Nguồn thu nhập mà người dân và các chủ rừng khác nhận được từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường này sẽ là nguồn thu đáng kể cho hoạt động QLBVR.
Trong thời gian tới, Quỹ BV&PTR sẽ tiếp tục chi trả cho các chủ rừng và các xã còn lại trên địa bàn huyện A Lưới, đây cũng là địa phương có diện tích cung ứng dịch vụ môi trương rừng lớn nhất tỉnh với hơn 70.000 ha chiếm 60% diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng toàn tỉnh.
Thông qua ngày hội chi trả dịch vụ môi trường rừng, cộng đồng người dân cũng như chính quyền địa phương không những thấy được giá trị tài nguyên rừng mà còn giao lưu học hỏi, nâng cao nhận thức hơn về công tác quản lý bảo vệ rừng.
Với việc triển khai chi trả phí DVMTR đang được triển khai ở Thừa Thiên Huế, chắc chắn công tác bảo vệ rừng sẽ có những chuyển biến tích cực hơn trong thời gian tới.
Để thực hiện có hiệu quả hơn công tác chi trả DVMTR, trong thời gian tới cần phải tiếp tục thực hiện một số việc sau:
Đẩy mạnh công tác truyền thông tuyên truyền về PFES và về bản chất của việc chi trả dịch vụ môi trường rừng đến người dân và các chủ rừng để họ hiểu rằng nguồn thu từ chính sách này chỉ đóng vai trò như nguồn kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động bảo vệ rừng và phát triển sinh kế. Việc gắn kết việc chi trả dịch vụ môi trường rừng với các chương trình phát triển sinh kế khác là hết sức cần thiết nhằm tạo thêm thu nhập bền vững cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng.
Mức thu phí dịch vụ môi trường rừng từ các công ty Thủy điện và đơn vị sử dụng nước nên tăng theo tỷ lệ thuận với giá bán điện và nước nhằm cải thiện mức chi trả cho người cung cấp dịch vụ môi trường rừng, đặc biệt là các cộng đồng người dân tham gia bảo vệ rừng đầu nguồn.
Các nguồn thu cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cần được đa dạng hóa và có lộ trình thí điểm các nguồn thu này thông qua các hình thức khác nhau như chương trình REDD+ , phí dịch vụ du lịch sinh thái, các dịch vụ khác có sử dụng nước, giá trị gia tăng từ rừng trồng.
Cần tăng cường tính minh bạch trong việc thu và chi của Qũy Bảo vệ và Phát triển Rừng. Điều này sẽ giúp tăng cường tính trách nhiệm giải trình của Quỹ đối với các bên liên quan, đặc biệt là giữa người sử dụng và người cung cấp dịch vụ môi trường rừng.
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cần phối hợp và đề nghị UBND tỉnh, UBND huyện để ban hành chế tài và cách thức xử phạt nghiêm khắc đối với các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng (nhà máy thuỷ điện, nhà máy cung cấp nước) chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của mình.
(Trong bài viết có sử dụng 1 vài số liệu và ảnh tư liệu của ông Trần Quốc Cảnh)