Văn kiện Chương trình Giảm phát thải Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018 – 2025 của Việt nam đã được nhất trí thông qua hồi tháng 2/2018 tại Hội nghị Quỹ Carbon (CF) lần thứ 17 tổ chức tại Paris và được CF ra nghị quyết thông qua số: CFM/17/2018/2.
Để thực hiện Chương trình Giảm phát thải (GPT), Việt Nam cần đảm bảo an toàn về Môi trường, Xã hội khi thực hiện các hoạt động REDD+. Trên cơ sở đánh giá Môi trường và Xã Hội (SESA) để xây dựng Khung quản lý môi trường xã hội (ESMF).
Được sự hỗ trợ của Ban quản lý FCPF 2 trung ương, FCPF tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành tổ chức tổ chức triển khai thực hiện và hoàn thành hoạt động.
Hội thảo tham vấn về SESA được tổ chức với 1 Hội thảo cấp Huyện (với sự tham gia của đại biểu từ 5 huyện trong tỉnh) và 7 Hội thảo cơ sở cấp xã được lựa chọn.
Mục tiêu các cuộc hội thảo tham vấn nhằm: Tham vấn ý kiến các bên liên quan đối với khung chính sách tái định cư, đánh giá tác động và rủi ro tiềm năng liên quan tới vấn đề tái định cư và khung kế hoạch dân tộc thiểu số, đánh giá các tác động, lợi ích và rủi ro tiềm năng đối với cộng đồng dân tộc thiểu số khi triển khai Chương trình giảm phát thải, từ đó đưa ra các biện pháp giảm thiểu tác động.
Hình ảnh Cán bộ Dự án tham vấn ý kiến người dân theo từng nhóm
Trong tháng 8 và tuần cuối tháng 9/2018, 8 cuộc Hội thảo tham vấn đã được triển khai tại Huyện Phong Điền, và các xã: Hồng Hạ, Hương Nguyên – Huyện A Lưới; Thượng Quảng, Thượng Long – Huyện Nam Đông; Phong Mỹ - huyện Phong Điền và 2 xã Bình Điền, Bình Thành thuộc huyện Hương Trà.
Tại các cuộc hội thảo tham vấn, các đại biểu được nghe giới thiệu về REDD+, tại sao phải tham gia REDD+ và các lợi ích khi tham gia REDD+; Chương trình GPT Bắc Trung bộ, các hoạt động của Chương trình, những tác động khi tham gia chương trình tới môi trường, xã hội và người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số sống gần rừng. Đồng thời các đại biểu đã tham gia thảo luận cụ thể các tác động về môi trường – xã hội, các rủi ro gặp phải khi thực hiện chương trình và đề xuất các biện pháp giảm thiểu các rủi ro đó. Với 319 người tham gia hội thảo (trong đó: Nữ: 114 người chiếm 35,73 %, Dân tộc (Cơ tu, Pa Cô, Pahy, Tà Ôi và Vân Kiều): 184 người, chiếm 57,68 %) đã đóng góp rất nhiều ý kiến về đến tác động Môi trường- xã hội và người dân tộc thiểu số. Các ý kiến này đã được tổng hợp vào mẫu của Dự án và được gửi ra BQL dự án trung ương để hoàn thành dự thảo đánh giá tác động môi trường và xã hội, đáp ứng các yêu cầu để bảo đảm an toàn về MT và XH của Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Thế giới và Công ước khung của Liên hiệp quốc./.