Năm 2011, UBND huyện A Lưới đã tiến hành giao cho cộng đồng thôn Tân Hối quản lý và bảo vệ diện tích 157ha rừng, nhưng đa số diện tích rừng được giao ở trạng thái rừng nghèo. Với nỗ lực của cộng đồng thôn và sự hỗ trợ của chính quyền xã Hồng Bắc và Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới nhóm đã thành lập ban quản lý với 29 hộ tham gia và chia ra 2 nhóm làm công tác tuần tra bảo vệ rừng. Theo đánh giá sơ bộ của Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới, cộng đồng thôn Tân Hối đã làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, các thành viên trong nhóm đã ý thức được những lợi ích từ rừng mang lại cho người dân trong thôn. Để thực hiện hoạt động quản lý bảo vệ rừng có hiệu quả tại địa phương, cần có sự hỗ trợ về kỹ thuật và hướng dẫn chỉ đạo, phương pháp thực hiện của các cơ quan ban ngành chức năng có liên quan để giúp người dân làm tốt công tác tuần tra bảo vệ rừng và phát triển sinh kế.
Nhằm cải thiện và nâng cao năng lực cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng, Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Dự án FLEGT khu vực miền Trung và Trung tâm Nghiên cứu & Tư vấn Quản lý Tài nguyên (CORENARM) tiến hành xây dựng thí điểm mô hình Quản lý rừng bền vững dựa vào cộng đồng tại xã Hồng Bắc, huyện A Lưới - Tỉnh Thừa Thiên Huế.
Mục tiêu của xây dựng mô hình này là: (1) Cung cấp các thông tin về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng nhằm giải quyết các trường hợp xâm lấn, khai thác rừng thuộc phạm vị quản lý của cộng đồng; (2) Cung cấp thông tin, cơ sở để hướng dẫn người dân lập, thiết kế và thực hiện kế hoạch quản lý bảo vệ rừng, xây dựng quy chế quản lý bảo vệ rừng, thiết lập và xây dựng quỹ bảo vệ rừng cộng đồng và (3) Cung cấp kỹ năng và kiến thức cho quản lý bảo vệ, xây dựng, làm giàu rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý. Hỗ trợ người dân trong việc phát triển kinh tế dựa vào rừng thông qua hoạt động sinh kế như (trồng trọt, chăn nuôi, nông lâm kết hợp).
Một số hoạt động bước đầu đã được triển khai như Hội thảo lập kế hoạch “Xây dựng mô hình quản lý rừng bền vững dựa vào cộng đồng” nhằm hỗ trợ cộng đồng xây dựng kế hoạch quản lý bảo vệ rừng, quy chế hoạt động và kế hoạch phát triển sinh kế dựa vào tài nguyên rừng với sự tham gia của hơn 15 thành viên chủ chốt của 2 nhóm cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng tại thôn Tân Hối, xã Hồng Bắc.
Hội thảo đã thống nhất cách tổ chức thực hiện và phối hợp với các cơ quan liên quan; Chọn lựa mô hình dựa trên các tiêu chí; Tiến hành khảo sát thực địa tại địa phương; Điều tra hiện trạng kinh tế xã hội để xác định nhu cầu hỗ trợ; Xây dựng qui chế và kế hoạch hoạt động của mô hình; Xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng; Các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực; Xây dựng mô hình sinh kế cộng đồng; Tính bền vững của mô hình (PES, REDD+, Du lịch sinh thái, …) và chia sẻ bài học kinh nghiệm về quản trị rừng cộng đồng hiệu quả… và kế hoạch duy trì các hoạt động sinh kế sau khi kết thúc dự án. Dự án đã hỗ trợ người dân lập kế hoạch quản lý bảo vệ rừng hàng năm và 5 năm cho cộng đồng, đồng thời thống nhất lại ranh giới rừng được giao thông qua bản đồ giao rừng, phân chia lô khoảnh và mục đích sử dụng của từng diện tích.
Bên cạnh mục đích nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng bền vững, Dự án FLEGT – Khu vực miền Trung còn hỗ trợ cộng đồng, người dân phát triển sinh kế thông qua xây dựng nguồn quỹ bảo vệ phát triển rừng. Để quản lý quỹ một cách hiệu quả, bền vững và hỗ trợ tối đa phát triển sinh kế cho cộng đồng cần phải xây dựng quy chế quản lý và sử dụng quỹ và các quy ước liên quan khác trong cộng đồng cũng như cách thức sử dụng nguồn quỹ hợp lý.
Nếu mô hình tiếp tục được quan tâm đầu tư trong những năm tới thì sẽ có thể trở thành mô hình điểm về Quản lý rừng bền vững dựa vào cộng đồng ở vùng miền núi, là điểm tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng ra những địa phương khác./.